Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg (ngày 31/8/2010) và 3 năm thực hiện Quyết định số 1110/QĐ-TTg (ngày 17/8/2012), Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg (ngày 15/10/2012) của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Kế hoạch số 66/KH-UBND (ngày 4/4/2016) của UBND thành phố thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW (ngày 25/6/2015) của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC”. Dự Hội nghị có Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu kết luận tại Hội nghị. (Ảnh: Đạt Lê)
|
Qua 5 năm thực hiện, Thành ủy, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn. Công tác PCCC, CNCH có chuyển biến tích cực. Trong 5 năm, trên địa bàn TP xảy ra 875 vụ cháy, nổ, làm 61 người chết, 109 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính hơn 336 tỷ đồng. So với 5 năm trước đó, số vụ cháy, nổ giảm 200 vụ, tăng 14 người chết, giảm 30 người bị thương, thiệt hại tài sản giảm hơn 24 tỷ đồng. Trong 3 năm thực hiện Quyết định số 44, Cảnh sát PCCC TP đã cứu hộ, cứu nạn 94 vụ cháy, nổ, TNGT, đuối nước, sập đổ công trình, mắc kẹt trong thang máy, tự tử, giải cứu những người có vấn đề thần kinh, cứu được 166 người…
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đánh giá những kết quả, chuyển biến tích cực trong công tác PCCC của TP đã góp phần bảo đảm ANCT, TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn còn diễn biến phức tạp, là nỗi lo của nhân dân, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển của Hà Nội. TP cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đối với công tác PCCC, coi đây là nhiệm thường xuyên, là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thi đua và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác PCCC trong phạm vi quản lý của mình. Phải lấy phòng ngừa là chính, từ đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, gắn với Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC. Hà Nội cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về PCCC; xây dựng chiến lược qui hoạch về PCCC đối với các địa bàn, công trình trọng điểm; tiếp tục đầu tư xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC ngày càng chính qui, tinh nhuệ, chuyên nghiệp...
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong tình hình dân cư, phát triển đô thị, biến đối khí hậu có những diễn biến phức tạp, vấn đề an toàn PCCC tiếp tục được đặt ra bức thiết và được TP đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, ngay sau Hội nghị, các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa bàn, đơn vị mình và lực lượng Cảnh sát PCCC có nhiệm vụ kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các lực lượng phối hợp chặt chẽ, có sự thống nhất cao với lực lượng nòng cốt là Cảnh sát PCCC trong PCCC, trước mắt bảo đảm an toàn PCCC phục vụ kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021… Nhân dịp này, UBND TP tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC.